Nữ Việt Nam thành đội đoạt nhiều danh hiệu nhất khu vực, vượt qua chính bại tướng Thái Lan tại SEA Games 31.
Chức vô địch bóng đá nữ SEA Games 31 là danh hiệu thứ 10 của Việt Nam trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á. Trước đó, đội tuyển sáu lần đoạt HC vàng SEA Games năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017, 2019 và ba lần vô địch Đông Nam Á năm 2006, 2012 và 2019.
Tiền vệ Tuyết Dung (số 7) cùng toàn đội cầm cờ đi quanh sân mừng HC vàng SEA Games 31 trên sân Cẩm Phả, Quảng Ninh tối 21/5. Ảnh: Giang Huy
Chiến tích trên sân Cẩm Phả giúp Việt Nam vượt qua chín danh hiệu của Thái Lan, gồm bốn lần vô địch Đông Nam Á năm 2011, 2015, 2016, 2018 và năm HC vàng SEA Games năm 1985, 1995, 1997, 2007 và 2013. Nhưng nếu xét cả thành tích ngoài khu vực, Thái Lan cũng đã đoạt 10 danh hiệu, gồm chức vô địch châu Á năm 1983, khi giải diễn ra trên sân nhà của họ.Trong 10 danh hiệu của Việt Nam, HLV Mai Đức Chung góp công vào sáu chức vô địch, gồm SEA Games 2003, 2005, 2017, 2019, 2021 và AFF Cup 2019. Bốn danh hiệu còn lại thuộc về Steve Darby (SEA Games 2001), Trần Ngọc Thái Tuấn (AFF Cup 2006) và Trần Vân Phát (SEA Games 2009, AFF Cup 2012).Ông Chung vượt qua thành tích của Đoàn Thị Kim Chi, để thành HLV giàu thành tích nhất bóng đá Việt Nam với chín danh hiệu. Ngoài sáu chức vô địch cùng đội tuyển nữ Việt Nam, HLV 72 tuổi còn giành Cup Quốc gia cùng Navibank Sài Gòn, và giúp Bình Dương đoạt cú đúp danh hiệu quốc gia năm 2015.Trung vệ Chương Thị Kiều và tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung cũng lần thứ năm vô địch cùng đội tuyển nữ. Còn đội trưởng Huỳnh Như đứng trước cơ hội vượt qua đàn chị Kim Chi và đàn anh Phạm Thành Lương để thành cầu thủ đầu tiên năm lần đoạt Quả Bóng Vàng Việt Nam. Cầu thủ gốc Trà Vinh đã bốn lần nhận giải thưởng này, và tại SEA Games 31, cô ghi bàn duy nhất ở cả hai trận bán kết lẫn chung kết. Huỳnh Như còn góp công không nhỏ đưa Việt Nam tới VCK World Cup 2023.
Tuyển Việt Nam cảm ơn người hâm mộ
Xuân Bình